Nếu như “Gói đất” được xem là lễ vật quan trọng nhất từ thời Hùng Vương thì ngày nay trầu cau là thứ không thể thiếu trong lễ cưới hỏi ở bất kỳ vùng miền nào của Việt Nam. Người miền Nam nổi tiếng với phong cách phóng khoáng, hiền hòa, bình dị nên lễ cưới xin cũng có phần giản lược hơn so với miền Bắc. Cụ thể phong tục đám cưới đám hỏi Miền Nam như thế nào, xuongkhungrap.com xin mời bạn đọc cùng tìm hiểu!
Những nghi thức quan trọng của phong tục đám cưới đám hỏi Miền Nam
Theo phong tục đám cưới đám hỏi Miền Bắc có đến 4 nghi thức bao gồm: Lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ cưới và lễ lại mặt. Trong khi đó phong tục đám cưới đám hỏi Miền Nam sẽ lược bỏ lễ lại mặt và giữ lại ba nghi thức quan trọng nhất.
Lễ dạm ngõ
Người miền Nam gọi lễ dạm ngõ là lễ đặt rượu (lễ bỏ rượu) là lần đầu tiên hai bên gia đình gặp mặt nhau tại tư gia nhà gái. Ý nghĩa của buổi lễ là để tìm hiểu, kết giao quan hệ và trao vật đính ước cho cô dâu. Đồng thời cũng là lúc các bậc trưởng bối cùng thảo luận về ngày ăn hỏi, ngày cưới và các lễ vật cần có.
Thành phần tham dự lễ ngoài cô dâu chú rể là nhân vật chính còn có cha mẹ cô dâu, cha mẹ chú rể, ông bà, bác, chú, cậu, dì… Những người quan trọng gắn liền với cô dâu và chú rể.
Thủ tục cưới hỏi miền Nam khá thoải mái khi có thể miễn phần lễ dạm ngõ nếu hai gia đình cách nhau quá xa (ví dụ một người ở Quảng Trị, một người tại miền Tây). Toàn bộ lễ vật cần có sẽ được xin gộp chung vào lễ ăn hỏi hoặc lễ cưới.
Lễ ăn hỏi trong phong tục đám cưới đám hỏi Miền Nam
Miền Nam gọi lễ ăn hỏi là lễ đính hôn (hoặc lễ đăng khoa) sẽ được tổ chức tại nhà gái. Đúng ngày lành tháng tốt đã bàn bạc trước ở lễ dạm ngõ (hoặc trao đổi online), họ nhà trai sẽ mang đầy đủ sính lễ đến họ nhà gái và thực hiện các nghi thức truyền thống. Trong đó có lễ lên đèn (thắp một cặp đèn rồng phụng) lên bàn thờ tổ tiên được xem là quan trọng nhất, là sự đánh dấu bắt đầu cuộc hôn nhân trọng đại của cặp đôi trẻ.
Nếu như tráp ăn hỏi ở miền Bắc đi theo số lẻ thì mâm quả ăn hỏi ở miền Nam sẽ đi theo số chẵn. Số lượng mâm quả tùy theo điều kiện của gia đình nhà trai hoặc một số vùng có tục thách cưới (mâm quả sẽ đi theo yêu cầu của nhà gái, ví dụ như miền Tây Nam Bộ hay có tục thách cưới).
Lễ cưới trong phong tục đám cưới đám hỏi Miền Nam
Lễ cưới là sự kiện quan trọng nhất trong các nghi thức cưới hỏi ở mọi miền tổ quốc. Trong ngày rước dâu trên cổng hoa nhà cô dâu sẽ để bảng chữ “Lễ vu quy” còn cổng hoa nhà chú rể sẽ để biển “Lễ tân hôn”.
Tùy phong tục cụ thể ở mỗi địa phương mà cô dâu có thể sẽ thực hiện nghi thức quỳ lạy ông bà cha mẹ ruột của mình, thể hiện tấm lòng cảm tạ công ơn sinh thành dưỡng dục dành cho cha mẹ trước khi xuất giá về nhà chồng.
Nhà trai cũng phải xem ngày tốt giờ tốt để tiến vào tư gia nhà gái, trao tráp lễ mâm quả, để đôi uyên ương bái tế tổ tiên và trao nhẫn cưới. Nhiều gia đình có thể kết hợp đãi tiệc ngay trong khoảnh khắc họ nhà trai và đôi trẻ vẫn còn nán lại bên nhà gái để ra mắt họ hàng và quan khách. Đến giờ đẹp theo sắp xếp, nhà trai sẽ xin phép nhà gái được rước dâu về nhà và tiếp tục những ghi lễ dâng hương tổ tiên và ra mắt quan khách bên họ nhà trai.
Trên thực tế, phong tục đám cưới đám hỏi Miền Nam đã rất thoải mái và tiết giảm đi rất nhiều nghi thức truyền thống. Có những cặp đôi vì bận rộn công việc và địa lý cách xa nhau đã gộp cả lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ cưới vào một ngày chính thức xin rước dâu. Cũng có những cặp đôi quyết định chỉ tổ chức nghi thức dâng hương tại tư gia hai bên gia đình rồi đãi tiệc ở nhà hàng hoặc làm tiệc cưới ngoài trời.
Theo phong tục đám cưới đám hỏi Miền Nam cần chuẩn bị lễ vật gì?
Theo lễ nghi truyền thống, đám cưới ở miền Nam sẽ lựa chọn mâm quả theo số chẵn để chúc phúc cho đôi bạn trẻ. Các gia đình thường yêu thích chọn 6 tráp quả để cầu mong may mắn, tài lộc và hạnh phúc cho đôi uyên ương. Cụ thể nhà trai sẽ cần chuẩn bị 2 phần lễ vật lớn bao gồm:
Thứ nhất: Trầu cau, rượu, chè, bánh mứt
- Trầu cau là lễ vật quan trọng nhất trong mọi nghi thức cưới hỏi ở cả Việt Nam nói chung. Đó là vật đại diện cho sự son sắt, tình yêu thủy chung, gắn bó bền chặt bên nhau như dây trầu quấn quýt trên thân cau.
- Trà, rượu và nến khắc hình long phụng: Là những vật dâng lên làm lễ gia tiên, vị đắng chát của trà quyện cùng vị cay nồng của rượu như lời nhắc nhở về những khó khăn trong đời sống vợ chồng, mong muốn cả hai bạn trẻ sẽ đồng lòng đi đến ngày bạc đầu.
- Trái cây với ngụ ý cuộc sống vợ chồng luôn no đủ, ngập tràn niềm vui, con đàn cháu đống.
- Bánh ngọt, bánh kem thể hiện hôn nhân luôn ngọt ngào.
- Mâm xôi gấc đỏ xinh chúc đôi uyên ương một đời no ấm đủ đầy.
- Heo quay như một lời chúc tiền tài dư dả, cuộc sống giàu sang phú quý.
Thứ hai: Lễ nạp tài, tiền, vàng, hiện kim khác
- Tiền nạp tài: Tượng trưng cho sính lễ mà nhà trai đưa ra theo yêu cầu thách cưới từ nhà gái, thể hiện sự cảm ơn của nhà trai dành cho gia đình cô dâu đã sinh thành và nuôi nấng cô con gái ngoan hiền. Không có số lượng nhất định trong phong bì tượng trưng này, tùy điều kiện gia đình nhà trai mà có thể trao 5, 10, 15, 20, 100 thậm chí là tiền tỷ. Ngày nay nhiều gia đình còn dùng cả sổ đỏ, căn hộ, xe hơi, cổ phiếu để làm lễ vật nạp tài cho gia đình nhà gái.
- Vàng cưới được xem là của hồi môn mà nhà trai sẽ chuẩn bị riêng cho cô dâu. Thường bao gồm 1 chiếc kiềng vàng, 1 chiếc lắc tay và 1 đôi hoa tai. Gia đình dư giả còn có thể dùng kim cương thay thế cho vàng ròng. Riêng nhẫn cưới thường do đôi uyên ương tự sắm sửa theo ý thích của riêng mình.
Như vậy, phong tục đám cưới đám hỏi Miền Nam có nhiều nét độc đáo riêng biệt so với các vùng miền khác. Các cô dâu chú rể nên tìm hiểu kỹ lưỡng về thủ tục cưới xin ở địa phương mình để có sự chuẩn bị phù hợp đẹp lòng đôi bên gia đình. Xuongkhungrap.com xin chúc đôi uyên ương sẽ có một ngày vui trọn vẹn và cuộc sống hôn nhân thật viên mãn!